Ảnh hưởng của chán ăn sau cai sữa đến sức khỏe và hiệu suất của heo con

Mục lục
    Cai sữa là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong chu kỳ phát triển của heo. Việc hiểu rõ hơn những thách thức mà heo con phải đối mặt, cũng như hậu quả ngắn hạn và dài hạn của việc giảm lượng thức ăn tiêu thụ, có thể giúp người chăn nuôi xây dựng khẩu phần phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng và cải thiện sức khỏe cho heo con.

    Ảnh hưởng của chán ăn sau cai sữa đến sức khỏe và hiệu suất của heo con

    Thách thức sau khi cai sữa

    Với hầu hết heo con trong các trang trại chăn nuôi, việc cai sữa đồng nghĩa với việc tách mẹ đột ngột, chuyển sang chuồng lạ và ghép nhóm với những heo con từ các lứa khác. Căng thẳng này còn đi kèm với thách thức dinh dưỡng khi heo chuyển từ sữa mẹ sang khẩu phần thực vật, từ dạng lỏng sang thức ăn rắn. Những yếu tố này, cùng với các tác nhân gây căng thẳng khác, khiến giai đoạn cai sữa trở nên rất khó khăn. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng vì hiệu suất heo con lúc này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế của trại.

    Tuy nhiên, trong vài ngày đầu sau khi cai sữa, lượng thức ăn heo con tiêu thụ thường giảm đáng kể, thậm chí có con bỏ ăn hoàn toàn trong 1–2 ngày. Khi không ăn, heo không tăng cân, thậm chí sụt cân, dẫn đến chậm phát triển và ảnh hưởng đến hiệu suất cả đời. Do đó, các biện pháp quản lý và dinh dưỡng tập trung vào việc kích thích heo ăn sớm để hạn chế tác động tiêu cực.

    Tác động của chán ăn sau cai sữa đến sức khỏe

    Việc giảm tiêu thụ thức ăn ngay sau cai sữa có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của heo con. Khi không nhận đủ dinh dưỡng, chức năng miễn dịch bị suy yếu, làm heo dễ mắc bệnh hơn (Spreeuwenberg et al., 2001). Ngoài ra, sự thiếu vắng dưỡng chất trong ruột gây rối loạn sinh lý ruột, như thoái hóa cấu trúc và giảm hoạt động enzym, làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng (Fàba et al., 2024; Moeser et al., 2017). Ruột yếu cùng với lượng dưỡng chất chưa tiêu hóa cao dẫn đến tiêu chảy sau cai sữa, đây là một vấn đề phổ biến trong chăn nuôi heo.

    Căng thẳng do cai sữa cộng với tình trạng chán ăn không chỉ làm chậm tăng trưởng mà còn gây hậu quả lâu dài như giảm hiệu quả chuyển hóa thức ăn và tăng số ngày đạt trọng lượng xuất chuồng (Boudry et al., 2004; Pulske et al., 1997).

    Khi nào heo nên bắt đầu ăn?

    Cai sữa đặt ra một nghịch lý sinh lý cho heo con: phải ăn ngay trong khi cơ thể đang bị tổn thương bởi stress. Heo phải chuyển từ sữa mẹ dễ tiêu hóa sang khẩu phần nhân tạo dựa trên thành phần thực vật. Tuy giảm lượng thức ăn là hiện tượng phổ biến, mức độ và thời gian bỏ ăn rất khác nhau giữa các cá thể.

    Figure 1 - Percentage of weanling pigs that had not eaten after weaning. Curves are given for light (blue line), middle (orange line), and heavy (grey line) weanling pigs. The dark periods are indicated by shaded bars. Source: Bruininx et al., 2001
    Hình 1: Tỷ lệ heo con sau cai sữa chưa ăn sau khi cai sữa.
    Đường biểu diễn thể hiện cho các nhóm heo con nhẹ (đường màu xanh dương), trung bình (đường màu cam) và nặng (đường màu xám). Các khoảng thời gian tối (ban đêm) được thể hiện bằng các vùng bóng mờ. Nguồn: Bruininx et al., 2001.

    Bruininx et al. (2001) phát hiện rằng sau 10 giờ cai sữa, 40–55% heo con vẫn chưa ăn. Đáng chú ý, heo lớn thường chậm ăn hơn (55%) so với heo nhỏ (40%). Tuy nhiên, sau 24 giờ, sự khác biệt này mất đi với chỉ khoảng 20% chưa ăn, và sau 48 giờ, con số này còn dưới 5%. Tình trạng chán ăn tạm thời trong 48 giờ đầu thường được chấp nhận vì đây là thời điểm heo tranh giành, xác lập thứ bậc xã hội (McGlone, 1985), dẫn đến né tránh thức ăn (Dong và Pulske, 2007).

    Le Dividich và Sève (2000) ước tính năng lượng tiêu thụ trong tuần đầu sau cai sữa giảm tới 40% so với trước đó. Việc sụt giảm dinh dưỡng và năng lượng làm chậm tăng trưởng, thậm chí heo còn sụt cân. Kats et al. (1992) cho thấy heo không tăng hoặc giảm cân trong tuần đầu sau cai sữa cần thêm 10 ngày để đạt trọng lượng xuất chuồng.

    Giải pháp

    Tất cả những hậu quả này cho thấy cần có chiến lược hạn chế chán ăn sau cai sữa. Quản lý cai sữa tốt như chuyển khẩu phần từ từ và giảm căng thẳng môi trường sẽ giúp heo thích nghi, duy trì sức khỏe ruột. Ngoài ra, bổ sung dinh dưỡng như khẩu phần dễ tiêu, chất phụ gia kích thích ăn và hỗ trợ ruột sẽ giúp tăng tiêu thụ thức ăn sớm.

    Nghiên cứu hành vi ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng để hiểu rõ bản chất vấn đề và đề xuất giải pháp hiệu quả.

    Kết luận

    Cai sữa gây ra những tác động tiêu cực rõ rệt đến chuyển hóa, sức khỏe ruột và miễn dịch của heo con, phần lớn liên quan đến việc giảm tiêu thụ thức ăn trong giai đoạn chuyển tiếp. Hiểu sâu hơn về những thách thức này và hậu quả của tình trạng thiếu ăn sẽ giúp chuyên gia dinh dưỡng xây dựng khẩu phần hỗ trợ tăng trưởng và cải thiện sức khỏe. Việc sử dụng phụ gia thức ăn đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc kích thích heo ăn sớm, kết hợp với hiểu biết về hành vi ăn uống, sẽ giúp người chăn nuôi đưa ra chiến lược hiệu quả hơn để kiểm soát stress cai sữa và tối ưu hóa dinh dưỡng cho heo con.

     

    Tin liên quan
    MỘT SỐ KỸ THUẬT ÚM GÀ CON
    08/07/202508/07/2025
    72 giờ đầu sau khi gà nở là giai đoạn thời gian quan trọng đòi hỏi người chăn nuôi cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và những kỹ thuật chăm sóc chặt chẽ. Trong đó kỹ thuật úm gà cũng là một yếu tố quan trọng tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đàn, góp phần cải thiện chất lượng thịt, sản lượng trứng và lợi nhuận của cả lứa.
    CÁCH CHĂM SÓC LỢN ĐỰC CON SAU KHI TRIỆT SẢN
    08/07/202508/07/2025
    Bài viết hướng dẫn chăm sóc lợn đực con sau khi thiến. Việc chăm sóc đúng cách giúp heo mau hồi phục, tăng trọng nhanh và phòng tránh các biến chứng sau phẫu thuật.
    Chất xơ trong thức ăn gia cầm: Lợi ích và những rủi ro cần lưu ý
    08/07/202508/07/2025
    Chất xơ từng bị coi là yếu tố gây cản trở tiêu hóa trong dinh dưỡng gia cầm. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, khi được bổ sung hợp lý, chất xơ không chỉ không gây hại mà còn mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho sức khỏe đường ruột, hệ miễn dịch và hiệu suất chăn nuôi.