MỘT SỐ KỸ THUẬT ÚM GÀ CON
MỘT SỐ KỸ THUẬT ÚM GÀ CON
1. Chuồng trại và thiết bị
Chuồng úm cần được che chắn kỹ, ấm vào mùa đông, thoáng mát mùa hè, tránh mưa tạt gió lùa. Chất độn chuồng nên dùng trấu, mùn cưa hoặc rơm rạ, phủ dày 9–13 cm. Mật độ nuôi giảm dần theo tuần tuổi: tuần 1 từ 30–40 con/m², tuần 2 từ 20–30 con/m², tuần 3 từ 15–25 con/m², tuần 4 từ 12–20 con/m². Máng ăn có thể dùng khay 50x50 cm cho 50 con, sau đó thay bằng máng phù hợp từng lứa tuổi; máng uống dùng loại nhựa 1 lít cho giai đoạn úm.
2. Nhiệt độ úm
Bà con có thể dùng bóng điện hồng ngoại 250W (5–10 bóng cho 1.000 con, tùy mùa) hoặc bếp than (phải đảm bảo thoát khí thải). Nhiệt độ chuồng úm cần điều chỉnh theo tuổi gà: 0–7 ngày là 31–32°C, 8–21 ngày là 28–30°C, 22–28 ngày là 22–28°C. Quan sát hành vi đàn gà để nhận biết nhiệt độ phù hợp: gà tụm lại dưới bóng là thiếu nhiệt, tản ra và uống nước nhiều là quá nóng.
3. Chất lượng không khí
Không khí trong chuồng úm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tăng trưởng của gà con. Các khí độc như amoniac (NH₃) và carbon dioxide (CO₂) nếu vượt ngưỡng cho phép sẽ gây kích ứng hô hấp, giảm ăn, thậm chí mù mắt. Vì người nuôi dễ quen mùi nên không thể chỉ dựa vào cảm nhận, mà cần quan sát hành vi gà (lười vận động, ho, thở gấp) hoặc dùng thiết bị đo nếu có.
Ngoài ra, độ ẩm không khí cũng rất quan trọng, nên giữ trong khoảng 50–65%. Nếu độ ẩm quá thấp (<50%) thì giảm thời gian chạy quạt tối thiểu, còn nếu quá cao (>65%) thì tăng thời gian chạy quạt để cân bằng lại. Việc kiểm tra chất lượng không khí tốt nhất nên thực hiện vào sáng sớm để có căn cứ điều chỉnh kịp thời.
4. Thông gió
Thông gió đúng cách giúp loại bỏ khí độc và độ ẩm dư thừa, duy trì môi trường ổn định cho gà. Để khí lưu thông tốt, chuồng úm cần đảm bảo áp suất tĩnh đủ lớn (khoảng 0.10 inch để đẩy không khí tới giữa chuồng). Cửa gió phải mở đúng mức để không khí không thổi trực tiếp vào gà hay máng ăn uống. Nên đóng các cửa không nằm trong vùng úm và chỉ để mở cửa trong khu vực gà để tạo luồng gió đi đúng hướng. Cuối cùng, thời gian chạy quạt thông gió cần được tính toán phù hợp theo mật độ gà và điều kiện môi trường. Có thể dùng công cụ tính trên website chuyên ngành để hỗ trợ.
5. Nước uống
Nước sạch và luôn sẵn sàng là yếu tố then chốt giúp gà khởi đầu thuận lợi. Trước khi nhập gà, hệ thống nước phải được vệ sinh, súc xả, kiểm tra đầu uống và điều chỉnh độ cao phù hợp với chiều cao gà. Gà con mới nhập về sau khi thả vào quây phải cho uống nước, có pha thêm đường Glucose, Vitamin C điện giải, nên cho gà uống trong 2 – 3 giờ đầu tiên để chống stress và tăng sức đề kháng cho đàn gà.
6. Thức ăn
Việc tiếp cận thức ăn dễ dàng và sớm sẽ giúp gà con nhanh chóng làm quen và phát triển tốt. Gà ăn rất ít trong tuần đầu nên điều quan trọng không phải là số lượng thức ăn mà là sự phân bố đều khắp, đủ không gian để mọi con đều tiếp cận được. Cần đặt khay ăn, nắp đựng thức ăn phụ đúng nơi khô ráo, ấm áp, không bị gió lùa để tránh làm gà sợ không dám lại gần. Ngoài ra, cần theo dõi hành vi ăn uống của gà, nếu thấy nhiều con chưa ăn hoặc bầu diều rỗng sau 24 giờ thì cần điều chỉnh ngay môi trường hoặc cách bố trí máng ăn.
7. Chiếu sáng
Ánh sáng giúp kích thích gà ăn uống, vận động và phát triển nhanh hơn. Trong 7–10 ngày đầu, cường độ sáng cần đạt ít nhất 3 foot-candle (khoảng 30 lux) đo dọc theo máng ăn. Ngoài ra, thời gian chiếu sáng liên tục trong những ngày đầu sẽ giúp gà dễ dàng làm quen với môi trường và tìm thức ăn, nước uống nhanh hơn.
8. Lịch tiêm vaccine như sau:
- Marek: 1 ngày tuổi
- Lasota lần 1: 3–5 ngày tuổi
- Đậu gà: 7 ngày tuổi
- Gumboro lần 1: 10 ngày tuổi
- Lasota lần 2: 21–24 ngày tuổi
Người nuôi cần cập nhật thường xuyên thông tin thời tiết, dịch bệnh để chủ động ứng phó, giảm thiểu rủi ro.





